Nuôi ong mật ở miền Bắc nước ta có một khó khăn đặc trưng là đàn ong phải qua đông, đặc biệt là qua tháng giêng, tháng hai (dương lịch). Đây là 2 tháng lạnh nhất của mùa đông. Để chủ động qua đông tốt, người nuôi ong phải chuẩn bị mọi việc từ vài tháng trước đó, nghĩa là phải từ tháng 11 năm trước.
Toc
Muốn qua mùa đông an toàn, đàn ong cần đông quân, thức ăn đầy đủ, tổ ong được che ấm áp và phòng chống kịp thời dịch bệnh. Sau đây là các biện pháp để thực hiện tốt các nguyên tắc đó:
1.Chúa tốt
Chúa tốt là chúa non tơ, trẻ khỏe. Nếu chúa già, nhân dịp tháng 11, đầu tháng 12, ngoài đồng có phấn, mật của hoa cải, dưa, cà chua, khoai lang và nhiều cây nở hoa vụ thuđông khác, nên lợi dụng thay ong chúa luôn. Nếu ong chúa già, đẻ kém, chưa thay được, nên thải chúa đó đi. Ta nhập số cầu, số quân còn lại vào đàn ong có chúa trẻ.
2. Đàn đông quân
Đàn đông quân,nhiều cầu là đàn ong mạnh. Nếu tới tháng 11, đàn ong còn thưa quân thì phải cho ong ăn thêm đường nhằm thúc chúa khỏe. Thực nghiệm đã chứng minh khi qua đông, đàn ong càng mạnh, càng đỡ tốn phí mật. Bảng số liệu sau đây nói lên điều đó:
Rõ ràng, đàn mạnh (ở số 5) so với đàn ong yếu (ở số 1) lượng mật tiêu hao khi qua đông (tính trên mỗi kilogam ong) giảm đi tới 5 lần. Nếu đầu tháng 12, trước khi qua đông, đàn ong có ong chúa đẻ khỏe, ong thợ dày đặc thì yên tâm. Chính các ong thợ trẻ lúc này và các ong thợ sắp ra đời trên cầu sẽ là lức
lượng chống rét và nuôi đàn suốt mùa đông. Chúng có thể sống tới đầu xuân để giúp phục hồi và phát triển đàn ong.
3. Thức ăn đầy đủ
Trừ trường hợp có nguồn mật thật mạnh (như có hoa chè, hoa dẻ. hoa ngũ gia bì chân chim…) thì hãy khai thác mật ong vụ thu đông. Còn lại, nếu trong tổ ong khô mật thì phải cho ong ăn đến khi cầu mật vít nắp mới thôi. Kinh nghiệm cho thấy,mật có nhiều, chúa mới đẻ mạnh, đàn ong mới được duy trì. Vả lại vào những thời kỳ giá rét kéo dài (mưa phùn, gió bấc…) ong không đi làm, nếu không có mật dự trữ, ong sẽ đói. Ong vừa đói, vừa rét, tuổi thọ sẽ giảm và có thể dẫn đến chết hàng loạt.
Vào những ngày giá rét, buổi sớm nếu thấy ong thợ chết bị tha vứt đầy cửa tổ thì đàn ong ấy có thể bị rét hoặc quá đói. Cần phải ủ ấm và cho ăn siro đường ngay.
4. Ủ và che cho đàn ng ấm áp
Trước hết, cần chuyển ong sang thùng có thành gỗ dày và thật kín. Các chỗ gỗ nứt và kẽ hở của thùng ong phải dùng đất sét hay băng dính bịt kín. Đàn ong cần phải ủ bên trong và che bọc phía ngoài.
Ủ trong: Dùng các mảnh vải cũ hoặc vải vỏ bao bột, ủ bên trong tổ bằng cách: phủ chùm lên mặt các cầu ong (sau khi đã đặt thước ong đầy đủ) rồi che ngoài tấm ván ngăn cho tới sát đáy tổ. Khoảng trống trong thùng ong cần lấp đầy bằng rơm khô hay giấy báo cũ. Những ngày nắng ấm, nên gỡ chúng phơi cho khô để chống mốc và phòng các vi khuẩn phát triển.
Che bọc ngoài: Nguyên liệu tốt nhất để che bọc ngoài tổ rơm rạ, cỏ tranh khô, kết lại thành các tấm tranh, phủ kín thùng ong bốn phía trên và dưới. Cửa thông gió phía sau tổ cần đóng lại. Cửa tổ ong ra vào vẫn phải đảm bảo thông thoáng và xoay tổ sao cho tránh hướng gió đông bắc. Nếu tổ ong đặt ngoài trời thì thì ngoài cùng nên bọc lớp vải đi mưa (hoặc nhựa polyetylen) nhưng những ngày nắng ấm thì nên mở ra cho đỡ hấp hơi.
5. Phòng chống dịch bệnh
Về mùa rét, hạn chế mở cửa thùng kiểm tra đàn ong. Cần làm vệ sinh đáy tổ. Chỉ nên mở tấm che trước cửa tổ, dùng chổi lau lùa vào quét cho sạch bụi, rác, xác ong chết. Nếu thấy có triệu chứng ong bị bệnh (ong trưởng thành non chết yểu, xác ấu trùng hay nhộng chết được ong thợ lôi vứt ra ngoài, ong ít đi làm…) thì khẩn trương cho ong ăn siro đường có pha thuốc kháng sinh (nhiều hay ít ngày tùy mức độ bệnh).
Đảm bảo thực hiện đầy đủ các nguyên tắc qua đông và chống rét như trên thì đàn ong sẽ vững vàng vượt qua mùa đông, chuẩn bị tốt cho mùa khai thác mật năm sau.