Đàn ong phát triển, với ong nội chỉ 5 – 6 cầu là ong đã có nhu cầu chia đàn. Nếu gặp nguồn phấn, mật phong phú, chúa sẽ đẻ đến mức độ quá đông quân. Đó là lúc ong chúa bắt đầu đẻ ra ong đực và xây mũ chúa
Để thu mật đạt hiệu quả cao, có thể kìm hãm ong chia đàn bằng cách cắt các tầng ong có lỗ ong đực và cắt bỏ mũ chúa mới xây đi. Nhưng với đàn ong quá đông quân, nhiều cầu thì xu thế chia đàn tự nhiên là không thể kìm hãm được. Như trên đã nói tốt nhất , nên lợi dụng cơ hội này để chia đàn, san tổ.
Có nhiều cách tạo ong chúa và chia đàn nhân tạo mà đều dẫn đến kết quả. Nhưng cách sử dụng ong chúa non từ đàn chia tự nhiên là tốt nhất. Điều này lại càng dễ dàng và thuận lợi đối với người bước đầu nuôi ong mật.
1. Sử dụng mũ chúa tự nhiên
Để ong chúa có chất lượng cao, ngoài việc chọn đàn ong có phẩm chất di truyền tốt
như:
- Ong chúa to, bụng dài và mập, đẻ khỏe.
- Đàn ong tụ quân đông, từ 5 – 6 cầu (cá biệt có thể 7 – 8 cầu). Đàn ong mới 3 – 4 cầu đã xây mũ chúa thì không nên dùng.
- Thời kỳ xây mũ chúa và chia đàn phải là lúc có nguồn phấn mật càng mạnh càng tốt. Có thể nói gọn “hoa thế nào chúa thế ấy”. Ở miền Bắc, chúa ra đời vào mùa hoa nhãn là tốt nhất (gọi là ong chúa nhãn). Chúa nhãn hơn chúa vải. Chúa vải hơn chúa táo. Các nguồn hoa khác, chúa không tốt lắm. Thực tiễn đã có những ong chúa nhãn, chúa vải đẻ khỏe tới 1 – 3 năm thậm chí 4 năm. Từ các ong chúa tốt ấy, có thể xây nên hàng chục cầu mới và chia ra được thành nhiều đàn.
- Thông thường, ong xây mũ chúa đồng loạt ở nhiều cầu.
Để chia đàn hãy chọn các mũ chúa to, mập, thẳng và dài. Đồng thời, loại các mũ nhỏ, mảnh, và cong đi. Các cầu có mũ chúa tốt nên đặt vào giữa tổ để điều kiện nuôi dưỡng được tốt nhất. Hàng ngày, theo dõi liên tiếp sự phát triển của chúng để biết được ngày vít nắp của từng mũ chúa. Chỉ 6 – 7 ngày sau, chúa non sẽ ra đời. Nắm được lịch ngày, chọn ngày thứ 5 hay thứ 6 bắt đầu san đàn.
2. Kỹ thuật san tổ, chia đàn
Ta đóng một thùng ong giống hệt thùng đang nuôi (về kích thước và màu sắc). Vào buổi chều ngày thứ 5 hay thứ 6, sau khi vít nắp với mũ chúa đã chọn, đặt tùng mới cạnh tổ, nhẹ nhàng đưa nửa số cầu (trong đó có cầu mang mũ chúa đã chọn) sang tổ mới. Chú ý các yêu cầu sau:
- Kiểm tra kỹ, để cầu có chúa ở lại tổ cũ.
- Số cầu và số quân nên chia cho đồng đều. Nếu số cầu lẻ, nên chọn cho đàn mới có số cầu ít nhưng trứng nhộng phải dày đặc. Vì rằng ở đàn cũ, ong chúa còn tiếp tục đẻ được.
- Ở đàn cũ có chúa, nên ngắt hết mũ đi. Còn ở đàn mới, ngoài mũ chúa đã chọn, nên để một vài mũ chúa tốt nữa, để phòng mũ chúa đã chọn có thể trục trặc.
- Sau khi san đàn ong thành 2 tổ, nên đặt 2 tổ cùng cùng hướng với vị trí tổ cũ và cách đều tổ cũ khoảng 0,5m
3. Kỹ thuật chăm sóc ong chúa mới
Sau khi chia đàn, chỉ 1, 2 ngày là ong chúa non từ mũ chúa sẽ mở nắp chui ra. Phút chúa non ra đời, đàn ong xôn xao. Ong thợ bay ra bay vào tấp nập hẳn lên. Trường hợp mũ chúa ấy hỏng, lập tức bị ong thợ gỡ bỏ đi và đành phải dùng mũ chúa dự trự. Nếu đàn ong có ong chúa cũ quá đông quân, trong khi đàn có mũ chúa thưa quân thì nên dời tổ chúa cũa ra xa vị trí cũ và đàn mới xích lại gần hơn một chút. Bao giờ thấy ong thợ đi về phân đều cho 2 tổ thì dừng lại.
Nhưng khi ong chúa mới ra đời thì không nên điều chỉnh quân nữa. Lúc ấy, ong thợ lạ hơi chúa sẽ đánh nhau kịch liệt. Chúa non ra đời phải đợi 2 – 3 ngày cho cánh khô và cơ thể hoàn thiện rồi mới bắt đầu bay ra khỏi tổ và tập bay và định hướng. Nên dán một mảnh giấy màu (màu xanh vàng hay xanh lá cây) ở trước tổ chúa non để chúa đỡ nhầm lẫn khi bay đi thụ tinh trở về.
Thông thường, chúa non phải bay lên không trung dăm ba ngày để gặp các ong đực và thụ tinh. Nếu thời tiết trắc trở (mưa phùn, gió bấc, mưa to, gió lớn…) thì quá trình thụ tinh sẽ chậm lại.
Thụ tinh xong, chỉ vài ngày sau, ong chúa mới bắt đầu đẻ. Khoảng 10 ngày sau khi ong chúa non ra đời, quan sát ở đáy các lỗ tổ trên cầu ong, thấy xuất hiện các trứng do ong chúa đẻ thì ong chúa mới chắc chắn đã thụ tinh thành công.
Như thế ngoài tổ cũ, tổ mới cũng bắt đầu trở thành một tổ ong hoàn chỉnh. Ong chúa mới có thể bị mất. Sự mất ong chúa mới dễ xảy ra do nhiều nguyên nhân (như lạc đường, bay về nhầm vào tổ khác, bị gió táp mưa sa, bị chuồn chuồn bắt ăn thịt…). Lúc đó, ta có thể đưa các mũ chúa ở tổ khác thay thế hoặc nhập các cầu ong đó trở về tổ cũ. Tuy đưa về tổ cũ nhưng cũng phải thực hiện có kỹ thuật, cụ thể chia thành 3 bước:
- Bước 1: Di chuyển dần cho 2 tổ ong mới giáp vách nhau.
- Bước 2: Đợi tối, nhấc cầu ong ở tổ mới đặt sang tổ cũ nhưng đặt ở ngoài vách ngăn.
- Bước 3: Đặt tổ nhập ấy đúng vị trí tổ ong ban đầu (vị trí trước lúc chia tổ). Bỏ tổ ong không ra xa. Hôm sau, nhấc vách ngăn (phân chia 2 tổ cũ, mới) đặt ra vị trí ngoài. Như thế, đàn ong sẽ tiếp tục khai thác mật để đợi chúng xây lại mũ chúa mới rồi tiếp tục chia đàn theo cách như trên.