Công việc vừa giới thiệu (như: chọn giống, mua ong, tìm chỗ đặt ong, quản lý đàn ong ban đầu…) chỉ là công việc bước đầu nhằm nhanh chóng có đàn ong mật giống để nuôi. Muốn nuôi ong có hiệu quả và làm chủ được đàn ong, phải có hiểu biết đầy đủ về đời sống, tổ chức và hoạt động của đàn ong mật.
1. Đời sống của ong mật
Ong mật cũng như kiến, mối…là côn trùng sống thành xã hội. Cái khác, ong mật đã là một kiểu xã hội đa hình thái có tổ chức cao.
Tính đa hình thái thể hiện ở chỗ trong tổ ong xuất hiện 3 loại thành viên. Các thành viên có cấu tạo và chức phận khác nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu một vài cá thể bị tách khỏi đàn sẽ không sống nổi. Các thành viên đó là:
Ong chúa: có màu sẫm, lớn hơn ong thợ và đặc biệt có phần bụng phát triển và kéo dài.
Đó là thành viên duy nhất có chức năng sinh sản, không thể thiếu được với sự sống còn của đàn ong.
Ong chúa gặp điều kiện thuận lợi mỗi ngày có thể đẻ tới trên dưới 1000 trứng, mỗi ngăn tổ 1 trứng, xếp thành vòng tròn xoáy trôn ốc từ giữa bánh tổ ra phía ngoài. Nếu ong chúa nào đẻ lỗ trỗ, đứt quãng thì chứng tỏ chúa đã già. “Chất chúa” do ong chúa tiết ra, được ong thợ phân đều đi các đàn, góp phần điều khiển đàn ong hoạt động về các mặt:
- Kích thích ong thợ làm việc: thí dụ tổ ong đang mất chúa, nếu có chúa mới, lập tức sẽ hoạt động sôi nổi hẳn lên.
- Kìm hãm sự phát triển buồng trứng của các ong thợ: ong thợ cũng nở ra từ trứng được thụ tinh như ong chúa nhưng thiếu buồng trứng. Chính “chất chúa”sẽ góp phần kìm hãm buồng trứng đó suốt đời.
- Ong thợ: có màu sáng và kích thước nhỏ hơn ong chúa nhưng có cánh và giác quan phát triển hơn. Đó là những ong cái phát triển không đầy đủ, nên không sinh đẻ được nhưng có khả năng thực hiện nhiều công việc hơn như: tiết sáp, xây tổ, nuôi ong chúa, nuôi ong non, lấy và chế biến phấn, mật, làm vệ sinh và bảo vệ tổ ong…
- Ong thợ là thành viên đông đảo nhất của tổ ong, có từ 10.000 đến 30.000 thậm chí 50000 cá thể ở mỗi tổ. Tuổi thọ ong thợ khoảng trên dưới 40 ngày tùy mùa. Thời gian có nguồn hoa, ong thợ phải lao động suốt ngày đêm, tuổi thọ của chúng bị rút ngắn.
Ong đực: Có mầu sẫm, kích thước lớn nhưng chỉ thân to, còn bụng ngắn. Ong đực sinh ra từ những trứng không thụ tinh và chỉ xuất hiện khi đàn ong chuẩn bị thay thế chúa hay chia đàn. Ong đực không có khả năng lao động, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là thụ tinh cho ong chúa mà thôi. Hàng ngày, nếu thời tiết tốt, chúng thường bay ra khoảng 5 7 lần từ 9h sáng đến 15h chiều. Hết mùa gia phối (cuối xuân, cuối thu)ong đực không sinh ra tiếp nữa. Số còn lại chết dần mòn. Nếu thời tiết xấu hay thức ăn trong tổ kém thì ong đực bị ong thợ không cho ăn nữa, thậm chí xua đuổi chúng ra khỏi tổ.
2. Sinh sản và phát triển của ong mật.
Sinh sản: Sau khi ra đời ong chúa mất khoảng 3 ngày để hoàn chỉnh bộ máy sinh sản rồi bắt đầu bay ra khỏi tổ để giao phối với ong đực. Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, ong chúa bay ra nhiều lần. Nhờ chất dẫn dụ sinh dục (feromon) do ong chúa tiết ra, chúng thu hút hàng trăm con vật bay theo.
Gặp điều kiện thời tiết thích hợp, khoảng 6 – 8 ong đực suất sắt nhất được thụ tinh cho ong chúa. Số tinh trùng đó được giữ lại trong cơ thể ong chúa để dùng suốt đời. Sau đó, ong chúa có chửa khoảng hai đến ba ngày thì bắt đầu đẻ trúng.
Phát triển: Tuy ong chúa đã thụ tinh nhưng chúng vẫn có thể đẻ ra 2 loại trứng . Trứng thụ tinh: nở ra ong thợ hay ong chúa đều phát triển từ cùng một loại trứng, chỉ khác nhau ở chỗ:
- Trứng nở ra ong chúa: trứng ấy được đẻ vào một loại lỗ được xây đặc biệt gọi là mũ chúa.
- Ấu trùng nở ra chỉ được nuôi bằng sữa chúa. Sau 5 ngày ở dạng ấu trùng và 8 ngày ở dạng nhộng (khi mũ chúa vít nắp) thì mũ trên nở ra ong chúa.
- Trứng nở ra ong thợ: trứng này đẻ vào lỗ tổ bình thường.
Ấu trùng chỉ được 3 ngày ăn sữa chúa, 6 ngày ăn phấn mật và phải qua nhộng 12 ngày nữa (tất cả 21 ngày) mới nở ra ong thợ
Riêng trứng nở ong đực: Đây là những trứng không thụ tinh và được đẻ trong loại lỗ tổ lớn hơn (xây riêng cho ong đực) qua giai đoạn ấu trùng 7 ngày ( chỉ 3 ngày đầu được nuôi sữa chúa) và 14 ngày giai đoạn nhộng sẽ nở ra ong đực (xem bảng so sánh dưới đây)
- Vòng đời của loài ong trải qua 4 giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng, con trưởng thành
3. Hoạt động sống của đàn ong mật
Hoạt động của tổ ong thực chất là hoạt động của ong thợ. Nguyên tắc điều khiển chủ yếu là các chức phận khác nhau ở ong thợ là hoạt động “theo lứa tuổi” nghĩa là “tuổi nào chức phận” ấy như sau:
- Từ 1 – 3 ngày tuổi: Ong thợ mới chui ở lỗ tổ ra, còn non nớt, chỉ có nhiệm vụ dọn sạch
lỗ tổ để chứa mật hoặc để cho ong chúa đẻ trứng. - Từ 3 – 5 ngày tuổi: Ong thợ nuôi ấu trùng tuổi lớn, đồng thời tiết ra sáp (nhờ một loại tuyến ở mặt bụng) và xây tổ.
- Từ ngày 5 – 10 ngày tuổi: Ong thợ tiết sữa chúa để nuôi ấu trùng nhỏ tuổi. Cũng thời gian này, chúng dần hoàn thiện cánh và bắt đầu bay ra khỏi tổ để tập bay và bài tiết.
- Từ ngày 10 – 20 ngày tuổi: Ong thợ bắt đầu gánh vác trọng trách là bay đi lấy phấn mật (tiếp liệu) và chế biến mật ong trong tổ.
- Trên 20 ngày tuổi: Ong thợ về già, sức yếu, được chuyển dần sang nhiệm vụ làm vệ sinh, canh gác và bảo vệ tổ.Nếu có sự cố bất thường như: chia đàn hay mất chúa một thời gian dài thì trong tổ xảy ra tình trạng thiếu ong thợ non (tức ít tuổi). Lúc ấy các chức phận trên có sự điều chỉnh sang các lứa tuổi kế cận để các công việc chủ yếu của đàn ong vẫn được thực hiện một cách đồng bộ.