CHUẨN BỊ ĐÀN ONG LẤY MẬT VÀ KHAI THÁC MẬT ONG

CHUẨN BỊ ĐÀN ONG LẤY MẬT VÀ KHAI THÁC MẬT ONG

Thời kỳ khai thác mật ong, đối với người nuôi là một “mùa gặt”. Để “mùa gặt” bội thu và bảo quản tốt sản phẩm của ong cần chú ý các vấn đề chính sau:

1. Chuẩn bị đàn ong khai thác mật

Chuẩn bị tốt đàn ong khai thác mật là yếu tố quyết định thắng lợi. Một đàn ong chuẩn bị
tốt sẽ có năng suất cao gấp 2 – 3 lần đàn ong không được chuẩn bị. Muốn vậy cần thực
hiện các công việc sau:

-Phải bồi dưỡng đàn ong từ sớm: trước khi nguồn hoa mật chính nở ít nhất là 40 – 45
ngày, chuẩn bị bồi dưỡng đàn ong bằng các cách:

– Thay ong chúa già bằng ong chúa trẻ

– Kích thích chúa đẻ trứng và đàn ong xây tổ bằng cách cho ong ăn thêm dung dịch đường
vào ban đêm.
– Mùa đông chống lạnh, mùa hạ chống nóng

– Tích cực phòng và chống bệnh cho ong

Phải chuẩn bị trước tới 40 – 45 ngày vì thế hệ ong thợ đẻ ra vào thời gian ấy đến lúc
nguồn mật chính bắt đầu mới đủ 10 – 15 ngày tuổi, tức tuổi sung sức nhất để đi lấy mật và
chế biến mật ong.

-Phải xây dựng được đàn ong mạnh: Đàn ong mạnh quyết định năng suất mật. Nếu đàn
ong còn yếu thì phải đưa thêm các cầu nhộng ở đàn mạnh sang, sao cho tất cả đều là đàn
ong mạnh, nghĩa là đạt các yêu cầu sau:

– Mỗi đàn phải có từ 4 – 5 cầu ong trở lên. Đàn cự mạnh có thể đạt 6 – 7 cầu.

– Số ong thợ phải đông tương ứng với số cầu, nghĩa là phủ kín cả 2 mặt cầu.

– Tất cả các cầu đều có đủ các thế hệ của ong như trứng, ấu trùng và nhộng vít nắp.

– Ong thợ phải to, mập, có tỷ lệ ở tuổi trưởng thành cao.

– Nhìn bên ngoài tổ ong, thấy ong đi làm tấp nập và mang về nhiều phấn, mật.
Chuẩn bị và thực hiện được 2 việc trên là ta yên tâm, ít nhất về mặt lực lượng ong, để tận
thu nguồn mật ngay từ những ngày đầu.


2. Khai thác mật ong

Đây là thời điểm có ý nghĩa nhất với người nuôi ong, có thể ví như một chiến dịch.

Chiến dịch toàn thắng, phải lần lượt thực hiện các bước sau đây:

Khai thác mật ong
Khai thác mật ong
a, Chuẩn bị dụng cụ nuôi ong : Quan trọng nhất là thùng quay mật thường gồm 2 bộ
phận:
– Thùng quay mật ong : Làm bằng tôn hoặc tận dụng ngay chiếc thùng men đựng nước thông
thường.-Khung quay: Uốn bằng thép 3 – 4 ly, ôm khít vừa 2 cầu ong và hàn đối diện nhau vào
một trục đứng có thể quay được ở giữa thùng ong. Đầu dưới trục dựa trên một điểm tựa,
đầu trên trục xuyên qua một thanh ngay ở miệng thùng quay.
Ở các nước tiên tiến, người ta đã sản xuất được các thùng quay mật chứa 3 – 4 cầu, thậm
chí trên 10 cầu một lúc cũng dựa theo nguyên tắc như vậy.
b, Chọn thời điểm quay mật
Vào mùa hoa, quay quá sớm hay quá muộn đều có hại cho đàn ong hoặc cho sản lượng
mật. Để chọn đúng được thời điểm quay mật hợp lý, cần căn cứ trên các mặt sau:-Biểu hiện trên hoa của cây nguồn mật: nên quay mật vào lúc hoa nở khoảng 10% là vừa.

-Biểu hiện trên đàn ong:

+Trước hết, ong bỗng dưng đi về tấp nập, tranh cướp nhau để vào lỗ tổ hoặc nặng nề, phải
bám vào cạnh thùng ong để nghỉ (do lấy được nhiều mật và phấn hoa).

+Ban đêm, nghe từ thùng ong phát ra tiếng quạt mật ù ù như tiếng một động cơ chạy.

+Mở nắp thùng thấy hơi nước thừa đọng lại làm ướt đầm đìa cả mặt trong nắp và vách
nắp thùng tổ.

-Biểu hiện trên cầu ong:

+Ta nhấc thử một cầu ong thấy cầu ong nặng trĩu mật.

+Các lỗ vít ở trên bánh tổ đầy ắp mật và các lỗ ấy bắt đầu vít nắp.
Các biểu hiện trên cho biết nguồn mật chính bắt đầu tiết và người nuôi ong phải lập tức
bắt đầu khai thác mật.


3. Thao tác quay mật

Để quay mật, đầu tiên phải nở nắp thùng ong, nhẹ nhàng gỡ các thước ong ra và tuần
tự thực hiện các thao tác sau đây:

-Thổi bằng miệng vào khe giữa 2 cầu ong, nhấc một đầu cầu, gõ nhẹ vào thành tổ cho ong

rời bánh tổ, gạt xuống dưới.

– Dùng 2 tay cầm chặt 2 đầu cầu ong, rũ mạnh theo chiều thẳng đứng. Ta rũ nhiều lần cho
ong rơi xuống đáy tổ gần hết. Còn lại ít con ta dùng chổi quét cho rơi hết vào tổ.

– Dùng dao mỏng bản và sắc, nhẹ nhàng hớt đi lớp sáp vít nắp lỗ mật nếu có.

– Đặt từng cặp cầu ong vào khung cầu ong của thùng quay và bắt đầu quay khung cầu
xung quanh trục. Mật sẽ văng hết ra, ta giảm tốc độ để đổi chiều cầu ong nhằm quay nốt
mặt kia của cầu mật.

– Quay mật xong, tranh thủ chấn chỉnh cầu ong như: cắt bỏ lưỡi mèo, cắt bỏ ấu trùng,
nhộng của ong đực và mũ chúa nếu có.

– Nhanh chóng xếp cầu ong trở lại thùng ong, dùng chổi quét xua ong ở thành và đáy tổ
để chúng nhanh chóng bám vào cầu ong.


4. Bảo quản mật ong

Mật ong từ thùng quay được lọc sơ bộ qua gạc hay lưới rây đặt trên phễu để rót
thẳng vào chai, lọ hay can nhựa.
Nên chứa mật ong trong chai lọ thủy tinh hoặc bình sành sứ, cùng lắm là trong can
nhựa trắng. Tuyệt đối tránh chứa mật ong trong chai lọ cũ có mùi dầu hỏa hay nước mắm,
vì mật ong dễ hấp thụ các mùi vị lạ, làm mất hẳn hương vị thơm tự nhiên của mật ong.

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255